Các trường hợp huỷ hoá đơn điện tử đã phát hành

    Các trường hợp huỷ hoá đơn điện tử đã phát hành

    1. Hóa đơn điện tử là gì?

    Theo khoản 2 Điều 3 Nghị định 123/2020/NĐ-CP thì hóa đơn điện tử là hóa đơn có mã hoặc không có mã của cơ quan thuế được thể hiện ở dạng dữ liệu điện tử do tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ lập bằng phương tiện điện tử để ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật về kế toán, pháp luật về thuế, bao gồm:

    Cả trường hợp hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế, trong đó:

    - Hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế là hóa đơn điện tử được cơ quan thuế cấp mã trước khi tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ gửi cho người mua.

    Mã của cơ quan thuế trên hóa đơn điện tử bao gồm số giao dịch là một dãy số duy nhất do hệ thống của cơ quan thuế tạo ra và một chuỗi ký tự được cơ quan thuế mã hóa dựa trên thông tin của người bán lập trên hóa đơn.

    - Hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế là hóa đơn điện tử do tổ chức bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ gửi cho người mua không có mã của cơ quan thuế.

    2. Các trường hợp hủy hóa đơn điện tử năm 2023

    Các trường hợp hủy hóa đơn điện tử năm 2023 theo khoản 1 Điều 19 Nghị định 123/2020/NĐ-CP và điểm b khoản 1 Điều 7 Thông tư 78/2021/TT-BTC như sau:

    - Trường hợp 1:  người bán phát hiện hóa đơn điện tử đã được cấp mã của cơ quan thuế chưa gửi cho người mua có sai sót thì người bán thực hiện:

    Thông báo với cơ quan thuế theo Mẫu số 04/SS-HĐĐT Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP về việc hủy hóa đơn điện tử có mã đã lập có sai sót và lập hóa đơn điện tử mới, ký số gửi cơ quan thuế để cấp mã hóa đơn mới thay thế hóa đơn đã lập để gửi cho người mua.

    Cơ quan thuế thực hiện hủy hóa đơn điện tử đã được cấp mã có sai sót lưu trên hệ thống của cơ quan thuế.

    - Trường hợp 2:  người bán lập hóa đơn khi thu tiền trước hoặc trong khi cung cấp dịch vụ theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP sau đó có phát sinh việc hủy hoặc chấm dứt việc cung cấp dịch vụ thì người bán thực hiện:

    Hủy hóa đơn điện tử đã lập và thông báo với cơ quan thuế về việc hủy hóa đơn theo Mẫu số 04/SS-HĐĐT tại Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP;

    Tại khoản 2 Điều 9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về thời điểm lập hóa đơn như sau:

    Thời điểm lập hóa đơn đối với cung cấp dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung cấp dịch vụ không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

    Trường hợp người cung cấp dịch vụ có thu tiền trước hoặc trong khi cung cấp dịch vụ thì thời điểm lập hóa đơn là thời điểm thu tiền (không bao gồm trường hợp thu tiền đặt cọc hoặc tạm ứng để đảm bảo thực hiện hợp đồng cung cấp các dịch vụ: kế toán, kiểm toán, tư vấn tài chính, thuế; thẩm định giá; khảo sát, thiết kế kỹ thuật; tư vấn giám sát; lập dự án đầu tư xây dựng).

    - Trường hợp 3: Hóa đơn điện tử được phát hiện sai sót sau khi đã gửi cho người mua (sai sót về tên, địa chỉ của người mua)

    • Người bán thông báo cho người mua về việc hóa đơn điện tử đã lập có sai sót, người bán không phải lập lại hóa đơn điện tử
    • Người bán thực hiện thông báo với cơ quan thuế về hóa đơn điện tử có sai sót theo Mẫu 04/SS-HDDT
    • Người bán gửi cho người mua kết quả của thông báo đã gửi cho cơ quan thuế về sai sót

    - Trường hợp 4: Hóa đơn điện tử được phát hiện sai sót sau khi đã gửi cho người mua (sai sót các nội dung quan trọng như mã số thuế, tiền thuế, thành tiền, tổng tiền, hàng hóa dịch vụ…)

    Người bán và người mua có thể thỏa thuận chọn 1 trong 2 cách xử lý như sau:

    • Cách 1: Người bán lập hóa đơn điều chỉnh hóa đơn sai sót. Ở cách này người bán và người mua lập văn bản thỏa thuận điều chỉnh sai sót (nội dung văn bản điều chỉnh cần ghi rõ nội dung sai sót trước và sau khi điều chỉnh), sau khi người bán lập hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn đã lập có sai sót. Hóa đơn điện tử điều chỉnh có dòng chữ “điều chỉnh cho hóa đơn Mẫu số…ký hiệu…số hóa đơn…ngày…tháng…năm”.
    • Cách 2: Kế toán lập hóa đơn điện tử mới thay thế cho hóa đơn điện tử có sai sót. Đối với trường hợp này thì người bán và người mua lập văn bản thoả thuận hủy hóa đơn sai sót (nội dung ghi rõ sai sót), sau đó người bán lập hóa đơn điện tử mới thay thế hóa đơn đã lập sai sót. Hóa đơn mới sẽ có dòng chữ” Thay thế cho hóa đơn hóa đơn Mẫu số…ký hiệu…số hóa đơn…ngày…tháng…năm”

    Sau khi thông báo cho cơ quan thuế về hóa đơn đã được cấp mã có sai sót bằng mẫu 04/SS-HDDT. Cơ quan thuế sẽ tiến hành hủy hóa đơn đã được cấp mã sai sót.

    + Người bán lập hóa đơn điều chỉnh hoặc thay thế gửi cơ quan thuế để được cấp mã hóa đơn

    + Người bán gửi hóa đơn điện tử vừa lập cho người mua.

 Copyrights Thiet Ke Website by ungdungviet.vn